Làm sao để biết mình bị viêm amidan cấp?

Bệnh Amidan rất thường gặp trong chuyên khoa Tai Mũi Họng không chỉ ở trẻ em mà còn ở thanh niên và người lớn. Các loại bệnh lý Amidan phổ biến là viêm Amidan cấp, viêm Amidan mạn tái hồi hoặc kéo dài, Amidan quá phát bít tắc mạn tính gây tắc nghẽn hô hấp trên. Trong đó, viên Amidan cấp là tình trạng viêm nhiễm khuẩn giới hạn ở Amidan, nhưng cũng có thể lan rộng ra niêm mạc họng còn gọi là viêm họng – Amidan cấp.

Bệnh lý này phổ biến ở cả trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên lứa tuổi từ 5 – 15 tuổi, do vi khuẩn hoặc virus gây ra.

Các dấu hiệu nhận biết viêm Amidan cấp bao gồm:

– Khởi phát đột ngột, sốt cao, rét run.

– Đau họng, khó nuốt do viêm ảnh hưởng đến các cơ vùng họng.

– Rối loạn toàn thân: mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức cơ khớp.

– Đặc điểm cấu trúc: Amidan to, có những đám xuất tiết trên bề mặt Amidan hoặc giới hạn ở các hốc Amidan. Niêm mạc họng đỏ và có thể có tử ban trên màn hầu mềm.

– Nổi hạch vùng cổ trước. Viêm amidan nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống, khó khăn trong sinh hoạt mà còn kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm như bệnh nhân dễ bị viêm xoang, viêm tai giữa cấp, viêm mủ hạch cổ.

Nếu viêm Amidan do liên cầu nhóm A hoặc một chủng vi khuẩn liên cầu khác không có biện pháp can thiệp triệt để, bệnh nhân sẽ tăng nguy cơ mắc các biến chứng xa như viêm phổi có mủ, viêm khớp mủ, cốt tủy viêm, áp xe nội tạng, nhiễm độc cục bộ hoặc nhiễm độc toàn thân (sốt, hạ huyết áp, suy thận, suy hô hấp cấp và tử vong rất nhanh).

Để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm Amidan, người bệnh cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Có rất nhiều phương pháp điều trị viêm Amidan như dùng thuốc, cắt amidan. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị hiệu quả.

Bệnh viêm Amidan rất dễ tái phát, đặc biệt ở trẻ em và người lớn có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Vì vậy, mỗi người cần chủ động phòng bệnh cho bản thân và gia đình bằng những biện pháp giữ vệ sinh, giữ ấm mũi họng đặc biệt trong lúc giao mùa, thời tiết lạnh, tập luyện thể dục thể thao, tránh đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh.

 

(Viêm amidan cấp – BSCKII. NGUYỄN VĂN TÝ)

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *